Nang cơ năng buồng trứng là túi hình thành trên bề mặt buồng trứng của phụ nữ hoặc sau khi rụng trứng để giữ trứng trưởng thành. Hầu hết các nang cơ năng này là vô hại và có thể tự biến mất. Nhưng nếu nang to có thể gây xoắn, vỡ hoặc chảy máu gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Mục lục
Nguyên nhân dẫn đến nang cơ năng buồng trứng
Nang cơ năng buồng trứng hay còn gọi là u nang cơ năng buồng trứng sẽ biến mất sau khi trứng rụng, tuy nhiên nếu túi không rụng hoặc túi đóng lại sau khi trứng được giải phóng, túi có thể phồng lên đựng chất lỏng bên trong.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh này là do một hoặc nhiều thay đổi nhỏ trong cách buồng trứng sản xuất hoặc giải phóng trứng. Trong chu kỳ kinh nguyệt, nang cơ năng buồng trứng có thể phát triển do:

- Khi nang trứng trong buồng trứng không giải phóng trứng và bị phình ra với chất lỏng bên trong buồng trứng hoặc trên bề mặt của nang trứng.
- U nang xảy ra khi hoàng thể không biến mất mà tiếp tục phình ra với chất lỏng bên trong. Đây là loại u nang buồng trứng phổ biến nhất.
- Sự phát triển của các u nang cơ năng buồng trứng cũng phổ biến trong quá trình điều trị bằng clomiphene (như Clomid hoặc Serophene) trong các trường hợp vô sinh. Những u nang này sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị, mặc dù có thể mất vài tháng. Chúng không gây nguy hiểm cho thai kỳ.
- Một số u nang cơ năng buồng trứng có thể là một khối u nang lành tính hoặc liên quan đến lạc nội mạc tử cung hoặc ung thư.
Triệu chứng
U nang cơ năng buồng trứng thường vô hại không gây ra triệu chứng và biến mất mà không cần điều trị trong 1 đến 2 tháng hoặc sau 1 đến 2 kỳ kinh nguyệt. Do đó, bệnh thường được phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám do bệnh lý khác.

Nếu u nang cơ năng buồng trứng càng lớn thì mới bắt đầu có triệu chứng như:
- Đi tiểu thường xuyên, nếu một u nang lớn đang ép vào bàng quang
- Đau bụng
- Kinh nguyệt thay đổi
- Tăng cân
Các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể phát triển nếu u nang bị xoắn, chảy máu hoặc vỡ. Gặp bác sĩ ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng đau, sốc hoặc chảy máu nào sau đây:
- Đột ngột đau bụng dữ dội hoặc đau vùng chậu
- Buồn nôn và ói mửa
- Đột nhiên cảm thấy chóng mặt, và yếu
- Chảy máu âm đạo hoặc các triệu chứng sốc do chảy máu nặng.
Ai có nguy cơ mắc nang cơ năng buồng trứng ?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển nang cơ năng bao gồm:
- Tiền sử đã mắc u nang cơ năng buồng trứng trước đó.
- Gần đây có sử dụng thuốc clomiphene, như Clomid hoặc Serophene.
- Sử dụng biện pháp tránh thai chỉ có progestin liều thấp (như một loại que cấy, thuốc viên và dụng cụ tránh thai).
Bệnh có nguy hiểm không ?
U nang cơ năng buồng trứng hầu như vô hại và không gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản cũng như sức khỏe ở nữ giới. Thông thường, nang cơ năng có dấu hiệu biến mất hoặc thuyên giảm kích thước chỉ sau 1 – 2 tháng.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số u chức năng có khả năng phát triển lớn và gây chèn ép lên các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột kết,… Ngoài ra u cơ năng cũng có thể tiến triển và gây ra một số biến chứng như vỡ nang và xoắn nang.

Trong trường hợp u nang cơ năng buồng trứng xảy ra khi mang thai, khối u thường tăng dần kích thước theo thời gian. Vì vậy trong trường hợp này, bác sĩ cần phải kiểm tra sát sao nhằm dự phòng các rủi ro và biến chứng nguy hiểm (vỡ nang, chèn ép thai nhi, sảy thai và sinh non).
Thực tế cho thấy, tỷ lệ phát sinh biến chứng của nang cơ năng buồng trứng thấp hơn nhiều so với u nang nhầy, u nang bì và u nang nước buồng trứng.
Chuẩn đoán nang cơ năng
Phần lớn các trường hợp phát hiện nang cơ năng đều do thăm khám phụ khoa định kỳ hoặc do siêu âm khi mang thai. Khi nhận thấy sự hiện diện của u nang, bác sĩ thường theo dõi sau 1 – 2 tháng. Nếu khối u có dấu hiệu thuyên giảm kích thước hoặc biến mất hoàn toàn, bác sĩ thường không yêu cầu chẩn đoán hay thực hiện bất cứ phương pháp điều trị nào.
Ngược lại nếu u nang xảy ra ở cả 2 buồng trứng, kích thước u nang không thay đổi, gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư, u nang gây ra các triệu chứng lâm sàng (đau bụng, chảy máu âm đạo,…), bác sĩ bắt buộc phải thực hiện các xét nghiệm sau:

- Nội soi tử cung: Nội soi là kỹ thuật chuẩn đoán- điều trị phổ biến. Kỹ thuật sử dụng ống dài nhỏ có chứa camera đưa vào bên trong tử cung nhằm giúp bác sĩ quan sát khối u và biểu hiện các cơ quan xung quanh. Ngoài ra bác sĩ có thể sinh thiết mô trong quá trình nội soi nhằm xác định mức độ lành tính của u nang
- Xét nghiệm kháng nguyên ung thư (CA-125): Xét nghiệm này được thực hiện với những trường hợp có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.
Xem thêm: U nang buồng trứng trái có nguy hiểm không ?
Cách điều trị bệnh
Phần lớn các nang cơ năng đều vô hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Với những u nang không thuyên giảm kích thước, điều trị tập trung vào việc cải thiện các triệu chứng lâm sàng, giảm áp lực của khối u lên vùng chậu và ngăn ngừa hình thành các khối u nang mới.
Sử dụng thuốc

Trước khi sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi từ 1 – 2 tháng. Với những trường hợp u nang không thuyên giảm kích thước và phát sinh các triệu chứng đau nhức, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau: Được sử dụng nhằm cải thiện cơn đau do khối u chèn ép lên những cơ quan xung quanh.
- Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai có tác dụng ngăn chặn quá trình rụng trứng, từ đó làm giảm nguy cơ phát triển các u nang mới và hạn chế tình trạng khối u gia tăng kích thước.
Sau vài tháng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kích thước và tiến triển của khối u. Trong trường hợp khối u có xu hướng thuyên giảm, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc tránh thai trong vài tháng tiếp theo nhằm giúp khối u biến mất hoàn toàn.
Phẫu thuật

Với những trường hợp u cơ năng gây đau nhưng không có đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ u nang thông qua kỹ thuật nội soi. Tuy nhiên chỉ có 5% trường hợp nang cơ năng phải tiến hành phẫu thuật.
Xem thêm: Buồng trứng đa nang là gì? Có thể mang thai được không?